Lâm Đồng: Toàn bộ 60 nghìn ha cà Phê bị thiệt hại do hạn hán

Ngày 1/4, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết, toàn tỉnh hiện có 60 nghìn ha cà phê bị ảnh hưởng do hạn hán, có khả năng sẽ bị giảm năng suất hoặc mất trắng nếu tình trạng khô hạn tiếp tục kéo dài.

ca phe han han

 

Vườn cà phê chết héo vì không có nước tưới. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Theo thống kê, tình trạng hạn hán diễn ra gay gắt trong thời gian qua đã ảnh hưởng đến nhiều vùng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, đặc biệt tại một số vùng trồng cà phê trọng điểm.
Cụ thể như huyện Bảo Lâm, tính đến hết tháng 3 có khoảng 16,5 nghìn ha cây trồng (chủ yếu là cà phê và chè) không đủ nước tưới.
Tương tự tại huyện Di Linh có trên 20 nghìn ha cà phê thiếu nước tưới trong đợt hai, huyện Đam Rông có gần200 ha cà phê bị khô hạn…
Những diện tích này chủ yếu nằm trong khu vực xa nguồn nước, trên đồi cao, địa bàn hiểm trở.
Tình hình nắng nóng cũng làm hơn 1.500 ha lúa, rau màu trên địa bàn Lâm Đồng thiếu nước tưới và có thể bị giảm năng suất từ 30-40% so với vụ trước.
Theo khảo sát mới nhất của Chi cục Thuỷ lợi tỉnh Lâm Đồng, mực nước tại một số hồ thuỷ lợi lớn trên địa bàn tỉnh đã xuống thấp hơn cùng kỳ từ 0,8-1m.
Nhiều hồ chứa vừa và nhỏ đã xuống dưới mực nước chết hoặc khô cạn như hồ Đa Quý, Lộc Quý (thành phố Đà Lạt), hồ Tân Hiên, Công Đoàn (huyện Đơn Dương).
Đối với mực nước trên sông suối tự nhiên, khe lạch nhỏ tính đến thời điểm cuối tháng 3/2015 hầu hết đã khô cạn, nhiều ao nhỏ tích nước do người dân tự đào cũng rơi vào tình trạng hết nước.
Dự báo trong thời gian tới, tình hình nắng nóng, khô hạn tiếp tục diễn ra gay gắt tại một số vùng trên địa bàn huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh… tương ứng với rủi ro thiên tai hạn hán đạt tới cấp độ 2. Do đó, người dân cần đề phòng cạn kiệt nguồn nước và nguy cơ xảy ra cháy rừng.
Trước tình hình trên, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng cũng chỉ đạo các sở ngành, đơn vị liên quan thực hiện các giải pháp chống hạn cho cây trồng.
Trong đó ưu tiên giải pháp duy tu, sửa chữa các công trình thuỷ lợi; nạo vét kênh mương để tận dụng tối đa nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp; thực hiện phương án hỗ trợ nhân dân đào ao tích trữ nước như mô hình đang được triển khai ở huyện Di Linh./.
Nguyễn Dũng (TTXVN/ Vietnam+)