Xóa bờ bao làm cánh đồng sinh thái

Sau 3 năm triển khai mô hình trồng lúa sinh thái, đến nay tỉnh An Giang đã đạt được nhiều kết quả đáng mừng. 

Cánh đồng sinh thái ở huyện Thoại Sơn - An Giang
Cánh đồng sinh thái ở huyện Thoại Sơn – An Giang

Vụ thu đông này, diện tích lúa sinh thái tăng lên 170 ha và mừng hơn là đầu ra sản phẩm ổn định.

Vụ này, mô hình trồng lúa sinh thái được thực hiện trên diện tích 33 ha tại ấp Vĩnh Thành, xã Vĩnh Khánh, huyện Thoại Sơn. Hoa được trồng trên bờ ruộng để thu hút thiên địch giúp nông dân giảm phun thuốc BVTV.

Thực tế cho thấy, những ruộng lúa có trồng hoa men theo bờ ruộng đã giảm được 2 lần phun thuốc BVTV. Không phun thuốc, thiên địch đến ruộng nhiều, tạo nên sự đa dạng sinh học, lúa phát triển tốt hơn.

Ông Võ Thành Nhơn làm 6,2 ha lúa ở ấp Vĩnh Thành cho biết: “Tham gia mô hình này, Trạm BVTV huyện xuống tập huấn áp dụng chương trình “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm”. Sau đó, hướng dẫn trồng hoa trên bờ ruộng để dẫn dụ thiên địch, nhờ đó giảm được lần phun thuốc ở giai đoạn đầu và trước khi thu hoạch”.

Theo tính toán của ông Nhơn, nhờ áp dụng cách làm này đã tiết kiệm được khoảng 2 triệu đồng/ha/vụ, năng suất lúa đạt khoảng 7 tấn/ha.

Ông Nguyễn Văn Bé Năm ở ấp Trung Phú 4, xã Vĩnh Phú, huyện Thoại Sơn chia sẻ: “Tôi canh tác 1,6 ha lúa, xung quanh các bờ mẫu đều trồng hoa cúc để tạo môi trường sinh thái nên ruộng lúa ít bị bệnh.

Ước tính năng suất lúa vụ này đạt gần 7 tấn/ha. Trước đây, chưa áp dụng mô hình trồng lúa sinh thái, lúa 30 ngày đã phải phun 2 lần thuốc trừ sâu, rầy. Mô hình mang lại lợi ích thiết thực về môi trường và kinh tế, vì thế tôi đã mở rộng diện tích lên 1,6 ha”.

Ông Ngô Hữu Toàn, cán bộ kỹ thuật Trạm BVTV huyện Thoại Sơn cho biết, mô hình công nghệ sinh thái trên ruộng lúa đã được triển khai 3 năm nay. Huyện khuyến khích các xã còn lại mở rộng diện tích thêm, từ 150 – 200 ha. Đáng mừng là sản phẩm làm ra được doanh nghiệp thu mua cao hơn 10% so với giá thị trường.

“Vụ đông xuân tới, cánh đồng lớn ở ấp Vĩnh Thành, xã Vĩnh Khánh sẽ xóa bờ bao, san phẳng mặt ruộng bằng tia laser phát triển lên thành cánh đồng kiểu mẫu. Cụ thể, trong 33 ha đang có 30 bờ bao sẽ san phẳng chỉ giữ lại 5 bờ bao lớn để trồng hoa và áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn GlobolGAP.

Không có nhiều bờ bao giúp cơ giới hóa thuận lợi hơn rất nhiều. Ngoài ra, bà con sản xuất cánh đồng lớn còn được hỗ trợ lò sấy, sân phơi”, ông Toàn cho biết.

Theo ông Nguyễn Hữu An, Chi cục trưởng Chi cục BVTV An Giang, ban đầu diện tích lúa sinh thái còn ít và được mở rộng ra hàng năm. Vụ thu đông này cả tỉnh đã phát triển được 170 ha. Đây là kỹ thuật mới không chỉ áp dụng trên cây lúa mà còn cả cho rau màu.

Qua quá trình thực hiện cho thấy, mỗi vụ lúa giảm được từ 1 – 2 lần phun thuốc BVTV, giảm chi phí từ 500.000 đến 1 triệu đồng/ha. Một số hộ nông dân áp dụng biện pháp “1 phải, 5 giảm”, không phun thuốc BVTV ở giai đoạn đầu và giai đoạn cuối của cây lúa.

“Tại những điểm triển khai mô hình này, doanh nghiệp sẵn sàng tham gia liên kết để thu mua lúa của nông dân với giá cao hơn so với thị trường từ 5 – 10%. Áp dụng mô hình cánh đồng sinh thái, nông dân không còn lo đầu ra hạt lúa. Để mang lại hiệu quả hơn nữa, ngoài hỗ trợ nông dân san bằng mặt ruộng bằng tia laser, cần có chính sách hỗ trợ liên kết từ nhiều phía”, ông An chia sẻ.

Theo HOÀNG VŨ – NGUYỄN NHÂN – Báo Nông Nghiệp Việt Nam